Ngành Cơ khí Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng sau quá trình đổi mới. Nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo đã có những bước phát triển mang tính đột phá. Năng lực sản xuất cơ khí của nền kinh tế được tăng cường với một số doanh nghiệp tiên phong, như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh Vinfast, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng Công ty Cơ điện xây dựng,… Tuy nhiên, giai đoạn này cũng có nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam dần tụt hậu, thậm chí thua lỗ nặng như Vinashin, gặp rất nhiều khó khăn như Công ty cổ phần Cơ khí xe lửa Gia Lâm (trước đây là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm).
Việc một số nhà máy, doanh nghiệp cơ khí lừng danh một thời phải chuyển đổi mô hình, thậm chí giải thể như Vinashin là do sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường,… Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, đa phần thiếu hụt vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính. Bên cạnh đó là công nghệ lạc hậu, đơn giản, tụt hậu khoảng 2 – 3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực, cùng với sự quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng các sản phẩm cơ khí chủ yếu vẫn chỉ là gia công kết cấu thép, không có các thiết bị tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với quốc tế; không phát triển được thị trường tiêu thụ ngay trong nội địa, chưa nói đến xuất khẩu. Ngoài ra, sự liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn rất hạn chế, khó hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư.
Những yếu kém dễ nhận thấy của ngành Cơ khí như trình độ công nghệ thấp, tính cạnh tranh kém; sản phẩm nội địa ít hoặc không có tính hữu dụng, dẫn đến hậu quả là nhiều doanh nghiệp dần “cụt” vốn và mất phương hướng tiếp cận thị trường.
Thị trường bị lệ thuộc vào sản phẩm cơ khí chế tạo của nước ngoài cũng là một vấn đề nan giải. Ngành Cơ khí đa dạng về sản phẩm nhưng cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh. Ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó có thể tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành Thép, Hóa chất, Năng lượng, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. Hơn nữa, các cam kết tự do thương mại cũng tạo áp lực đối với doanh nghiệp cơ khí trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ.
Việc các doanh nghiệp cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nêu trên khiến ngành cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) diễn ra, các công nghệ mới đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các doanh nghiệp cơ khí.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp cơ khí ở mức lạc hậu là chủ yếu, so với các nước thì Việt Nam ở mức rất thấp. Điều này khiến cho doanh nghiệp cơ khí gặp không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp cơ khí ở thành phố tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về nguyên vật liệu của ngành: nguyên phụ liệu cho ngành Cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu. Điều này khiến ngành phụ thuộc vào nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Về nguồn nhân lực: Nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu triển khai, trước hết là đội ngũ tư vấn thiết kế chưa đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.
Bên cạnh đó, vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả. Hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung. Chưa thu hút được sự tham gia của các DN cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các DN thành viên với nhau. Hiện nay, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam chỉ mới thu hút được sự tham gia của hơn 100 DN trong tổng số trên 21.000 DN cơ khí.
2. Giải pháp phát triển ngành Cơ khí trong nước
Một là, để phát triển bền vững công nghiệp cơ khí trong nước, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, vì nếu doanh nghiệp đầu tư cho cơ khí có trang thiết bị trình độ công nghệ 3.0, 4.0, mà phải vay với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ khó thực hiện được mục tiêu nâng cao nội lực cho cơ khí Việt Nam, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các nước. Một số vấn đề quan trọng khác cần được Nhà nước chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ, đó là dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… để bảo vệ hợp lý thị trường trong nước, giống như các quốc gia trên thế giới đã và đang chủ động thực hiện. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo nhiều đơn hàng cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công. Đồng thời, chủ đầu tư các dự án có quy mô lớn (không phân biệt nguồn vốn) tại Việt Nam phải có phụ lục, tách riêng những phần việc để dành cho doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu thực hiện. Bên cạnh đó, để giúp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo kịp thời xây dựng và phát triển công nghiệp cơ khí nội địa, Việt Nam cần hình thành ngay một đầu mối nghiên cứu các cơ chế chính sách và quản lý nhà nước nguồn tài lực dành cho phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, không tính doanh nghiệp FDI như cách tính gộp lâu nay.
Hai là, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, nhằm mục tiêu không cần phải mua toàn bộ từ nước ngoài, mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm. Khi khảo sát tại các Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), các đơn vị này khẳng định, ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam/ASEAN gắn với tỷ lệ nội địa hóa ở cả khu vực DN FDI cũng như cơ khí trong nước, tránh tình trạng chuyển giá, nâng khống giá trị sản xuất khi thật sự chưa đạt yêu cầu để hưởng các chính sách ưu đãi.
Chính phủ cần đưa ra những chính sách cụ thể, như quy định và giám sát thực hiện chặt chẽ đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tư nhân, FDI,… Nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể sản xuất được, thì bắt buộc phải giao doanh nghiệp trong nước thực hiện. Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư.
Ba là, biến thách thức đến từ việc gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở thành động lực để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp ngành Cơ khí thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi chuỗi cung ứng thông minh hơn và kết nối tốt hơn. Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành Cơ khí cần đầu tư nguồn lực con người, đào tạo nhân lực về quản lý, công nghệ và kỹ năng; tập trung vào các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm có giá trị tăng thêm cao, tái lập các quá trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở áp dụng kỹ thuật, phương pháp, công cụ năng suất và chất lượng. Các doanh nghiệp cùng các tổ chức liên quan xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bốn là, cải thiện năng lực của ngành và của cả doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là phải cải thiện hiện trạng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội. Cùng với đó, để phát triển, cần phải phát triển các cụm ngành sản xuất, liên kết với nhau nhằm phối hợp các chức năng sản xuất, cung ứng máy móc, phụ tùng, cơ sở hạ tầng,…
Năm là, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước và ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và tín dụng cho ngành Cơ khí.
Bên cạnh đó, cần tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, xử lý tình trạng gian lận thương mại, cũng như việc nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Nhà nước nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước; nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước, song phải phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Đồng thời, Chính phủ cần bổ sung chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc cho nhập khẩu máy, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải, hàng hóa đã qua sử dụng, để bảo vệ sức mua cho thị trường nội địa như các quốc gia khác đã và đang thực hiện quyết liệt việc này để bảo vệ sản xuất nội địa.
Sáu là, cần ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể về thuế, phí. Cụ thể là xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035; giảm mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0%, từ năm 2025 – 2030 là 5%, sau năm 2030 là 10%; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, xem xét miễn giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo cơ khí.
Cùng với đó là đẩy nhanh kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới và chú trọng đến các công nghệ mới của CMCN 4.0, vì đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo hiện trạng sử dụng máy, thiết bị của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
- Bộ Chính trị (2003), Kết luận số 25-KL/TW ngày 17/10/2003 về Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, giai đoạn 2009-2015.
- Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 phê duyệt Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chết tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.